Thiền Tông Việt Nam
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Giảng Giải (Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 5)
PHẦN CHÁNH TÔNG

Phật bảo A-nan: - Ta với ông đồng một huyết thống, tình anh em thân thuộc. Khi ông mới phát tâm, đối với giáo pháp của ta, ông thấy được tướng thù thắng gì mà nhanh chóng bỏ hết những ân ái sâu nặng của thế gian?

A-nan hỏi về phương tiện ban đầu để tu, nhưng Phật không trả lời ngay mà hỏi ngược lại ngài về lý do xuất gia. Ở đây chúng ta thấy tinh thần dạy đạo của Phật là phăn tận nguồn gốc ban đầu, tìm hiểu mục tiêu của người học đạo, rồi từ đó mới giải quyết những gì họ đang ôm ấp trong lòng. Nếu người dạy chỉ hỏi đâu đáp đó, chưa chắc đã đúng bệnh của người học. Cho nên Phật truy nguyên lý do xuất gia, để thử xem trong giáo pháp của Phật, ngài A-nan nhận hiểu cạn hay sâu, thuộc phần sự tướng hay lý tánh. Biết rõ rồi, Phật mới ngay đó phá vỡ chỗ sai lầm.

A-nan bạch Phật: - Con thấy Như Lai có ba mươi hai tướng đẹp đẽ phi thường hình, thể sáng rỡ ví như lưu ly. Con thường tự suy nghĩ, tướng này không phải do dục ái sanh ra. Vì sao? Vì dục ái là khí nhơ nhớp do tinh huyết giao cấu, máu mủ lẫn lộn, không thể nào phát sanh được tướng thù thắng trong sạch, sáng rỡ như một khối vàng ròng. Do đó mà con khát ngưỡng theo Phật xuất gia.

Ngài A-nan do thấy tướng tốt của Phật nên ngưỡng mộ mà phát tâm xuất gia, chứ không phải vì hiểu pháp.

Phật bảo: - Lành thay, A-nan! Các ông nên biết, tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, sanh tử tiếp nối, đều do không biết chân tâm thường trụ là thể tánh thanh tịnh sáng suốt, chỉ dùng các vọng tưởng. Các tưởng này không chân thật nên có luân chuyển. Nay ông muốn học Vô thượng Bồ-đề, phát minh tánh chân thật thì phải nên trực tâm đáp những lời ta hỏi. Như Lai mười phương ra khỏi sanh tử, đồng một con đường, đều do trực tâm. Tâm và lời nói ngay thẳng, như thế cho đến các địa vị trước sau và chặn giữa, đều không có tướng cong vạy.

Đức phật không chỉ dạy riêng A-nan mà nói chung cho toàn chúng. Trước tiên Phật nêu lên trọng tâm luân hồi sanh tử. Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, cứ phải sanh tử tiếp nối không dừng, gốc ở chỗ nào? Do không nhận ra chân tâm thường trụ, thể tánh hằng sáng suốt nơi mình, cứ chạy theo vọng tưởng không thật cho đó là mình, nên bị dẫn đi mãi trong luân hồi. Đây là phật chỉ thẳng gốc sanh tử luân hồi, nếu chúng ta biết được manh mối này thì có thể phăng tìm đến chỗ giải thoát sanh tử.

Kế đến, Phật nêu lên tinh thần học Phật. Người học phật phải nói thẳng những điều tâm mình đang nghĩ đang biết, để bậc thầy hướng dẫn hiểu rõ và chỉ dạy cho thấu được chỗ còn ngờ vực. Bởi vì phần nhiều chúng ta không dám nói lên chỗ nhận hiểu của mình, sợ nói sai sẽ bị người cười nên cứ giấu giếm quanh co, do đó người dạy không biết được chỗ hiểu sai của người học để chỉ dẫn. Tu thiền là tu tâm, phá nghi mới ngộ. Nếu giấu những thứ dở xấu hoặc những điều nghi thì không bao giờ ngộ.

Như trong lối tu thiền ngũ đình tâm quán, giữa thầy và trò phải trung thực. Nếu người học nặng về sắc dục thì thầy dạy quán bất tịnh. Người hay nóng nảy sân hận, dạy quán từ bi. Người nặng nề vọng tưởng, dạy quán sổ tức. Người nhiều si, dạy quán nhân duyên v.v... Người học cần phải thật tình nói rõ căn bệnh của mình, vị thầy mới theo đó mà dạy cho. Huống nữa thiền tông là chỉ thẳng tâm tánh, nếu những chỗ nghi ngờ không chịu trình bày, hoặc nghĩ một đàng nói một ngả thì người thầy dù có ngàn phương thuốc cũng không làm sao giải được bệnh cho mình.

Chính tâm ngay thẳng này là con đường chung của chư Phật mười phương ra khỏi sanh tử. Cho nên trên đường tu, từ khi phát tâm cho đến lúc viên mãn thành Phật, phải luôn giữ một tâm ngay thẳng không cong vạy. Do đó đức Phật răn nhắc, phải giữ tâm ngay thẳng, biết sao nói vậy đừng quanh co, để Phật thấy rõ bệnh mà chỉ cho phương pháp giải thoát sanh tử.

Mục Lục