Thiền Tông Việt Nam
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Giảng Giải (Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 5)
CHƯƠNG I: KIẾN ĐẠO (tt2)
  1. A-NAN GIÁC NGỘ PHÁT NGUYỆN

Khi ấy A-nan và các đại chúng nhờ Phật Như Lai khéo léo chỉ bày, thân tâm rỗng rang không còn ngăn ngại. Các đại chúng ấy mỗi người tự biết tâm trùm khắp mười phương, thấy hư không mười phương như xem chiếc lá hay đồ vật trong bàn tay. Tất cả sự vật có trong thế gian đều là tâm Bồ-đề sáng suốt nhiệm mẫu sẵn có.

Khi giác ngộ rồi mỗi người tự biết tâm trùm khắp, thấy hư không mười phương chỉ như chiếc lá trong lòng bàn tay. Bàn tay dụ cho Như Lai tạng trùm khắp. Nghĩa là tất cả sự vật trong thế gian không có gì ngoài giác tâm sáng suốt.

Tâm tinh viên mãn trùm khắp gồm cả mười phương, trở lại xem cái thân cha mẹ sanh ra, như thổi một hạt bụi nhỏ trong hư không mười phương, hoặc còn hoặc mất, cũng giống như hòn bọt nổi trôi trên biển cả lặng yên, dầu nổi dầu tan không biết từ đâu.

Tâm tinh là tâm tinh ba rộng lớn trùm khắp, gồm cả mười phương. Nhận được tâm thể này rồi, thấy thân cha mẹ sanh ra giống hạt bụi nhỏ trong hư không, như hòn bọt ngoài biển cả, không chỗ nơi căn cứ, không có nghĩa lý gì, do đó phá được chấp ngã và chấp pháp. Hư không và biển cả dụ cho Như Lai tạng.

Tự biết được rõ ràng, bản tâm nhiệm mầu thường trụ không diệt. A-nan chắp tay lễ Phật được điều chưa từng có, ở trước Như Lai nói bài kệ tán thán Phật:

Diệu trạm tổng trì bất động tôn

Thủ-lăng-nghiêm vương thế hy hữu

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng

Bất lịch tăng-kỳ hoạch pháp thân.

Bốn câu trên tán thán Tam bảo, trình bày chỗ sở ngộ của ngài A-nan.

Trước tiên tán thán Phật là đấng lặng lẽ nhiệm mầu, gồm nhiếp, không động. Kế tán thán Pháp, kinh Thủ-lăng-nghiêm là vua của các kinh, ở đời rất ít có. Đến tán thán Tăng, nhờ nghe kinh này mà các tưởng điên đảo từ muôn ức kiếp của con được tiêu trừ, không trải qua vô số kiếp mà được pháp thân.

Theo tinh thần kinh điển Đại thừa, người tu từ khi phát tâm cho tới thành Phật trải qua ba vô số kiếp. Bắt đầu vào Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng là một vô số kiếp, kế đến Thập địa thì từ Sơ địa đến Bát địa là vô số kiếp thứ hai, từ Bát địa cho tới Đẳng giác Diệu giác là vô số kiếp thứ ba.

Đoạn này nói lên tinh thần đốn ngộ. Ngài A-nan nghe Phật giảng tới đây bỗng dưng sạch hết các tưởng điên đảo, không cần trải qua vô số kiếp mà nhận được pháp thân. Pháp thân tức là Như Lai tạng. Nhận được pháp thân rồi, từ đó lưu xuất tất cả.

Nguyện kim đắc quả thành Bảo vương

Hoàn độ như thị hằng sa chúng

Tương thử thâm tâm phụng trần sát

Thị tắc danh vi báo Phật ân.

Ngài A-nan phát nguyện, được chứng quả thành Phật trở lại độ chúng sanh nhiều như cát sông Hằng, đem thân tâm này phụng thờ chư Phật các cõi nước nhiều như số bụi, ấy mới gọi là đền ơn chư Phật.

Đây là đại nguyện thượng cầu hạ hóa. Trên phụng thờ chư Phật, dưới hóa độ tất cả chúng sanh.

Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập

Như nhất chúng sanh vị thành Phật

Chung bất ư thử thủ Nê-hoàn.

Trên là phát nguyện, đến đây là lời thệ của ngài A-nan. Xin Phật chứng minh, con xin thề trong đời ác ngũ trược này con nguyện vào trước. Nếu như có một ngày chúng sanh nào chưa thành Phật, con không bao giờ ở nơi đây nhận Niết-bàn.

Ngài A-nan thệ sẽ xông pha vào cõi đời ngũ trược, còn chúng ta tu mong mình được giải thoát sớm, mặc kệ bao nhiêu chúng sanh đang lặn hụp. Thọ ơn chúng sanh mà đòi giải thoát một mình, chúng ta chẳng khác nào kẻ lỡ đường định về nhà mà hết tiền xe, gặp người quen muốn hỏi mượn tiền nên đề cao khen ngợi họ, khi mượn được tiền rồi lên xe đi thẳng không thèm trở lại.

Tinh thần Đại thừa khác Nhị thừa ở chỗ này. Ngài A-nan phát nguyện khi thành Phật rồi thì trở lại cõi đời ngũ trược cùng lăn lộn với chúng sanh. Tuy mình đã giác nhưng vì thương chúng sanh nên vẫn vào trong cảnh trần, gọi là hòa quang đồng trần, tức đem ánh sáng hòa với bụi. Đó là sức mạnh của người tu Đại thừa.

Đại hùng đại lực đại từ bi

Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc

Linh ngã tảo đăng Vô thượng giác

Ư thập phương giới tọa đạo tràng.

Đại hùng đại lực đại từ bi, mong ngài xem xét kỹ để trừ dẹp những mê lầm vi tế, khiến cho con sớm lên quả vị Vô thượng giác, ngồi đạo tràng khắp thế giới mười phương.

Câu này và câu trước có mâu thuẫn không? Chúng ta phải hiểu, giác ngộ không có nghĩa là nhập Niết-bàn, mà giác ngộ rồi lại ngồi đạo tràng trong mười phương. Như tôi hiện nay đang giảng pháp cho mọi người nghe, có phải cũng ngồi đạo tràng không? Duy-ma-cật nói, đâu cũng là đạo tràng. Đạo tràng đây là ở mười phương cõi để giáo hóa chúng sanh, chứ không phải lên tòa sen ngồi lim dim.

Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong

Thước-ca-la tâm vô động chuyển.

Thuấn-nhã-đa là hư không, thước-ca-la là kiên cố như kim cương. Hai câu này có nghĩa là hư không có thể tiêu mất nhưng tâm kiên cố của con không hề động chuyển.

Người thế gian hay thề "dù cho non mòn biển cạn, lòng vẫn không dời đổi". Non có khi mòn, biển có lúc cạn, còn hư không chẳng bao giờ tan hoại. Ngài A-nan mượn so sánh này để nói lên ý nghĩa, khi đã ngộ được tâm chân thật, dù có biến cố nào ngài cũng không lay chuyển, không thối Bồ-đề tâm. Chúng ta bây giờ ngược lại, chùa chưa cũ vườn chưa tàn mà tâm mình đã thay đổi rồi!

Lúc ban đầu ngài A-nan đi khất thực bị nạn Ma-đăng-già, chúng ta thấy ngài cũng tầm thường, nhưng chỉ một khoảng thời gian ngắn nghe Phật dạy, không phải qua tu tập lâu sao ngài lại dũng mãnh như vậy? Bởi khi đã ngộ được pháp thân, nhìn thấy chúng sanh mê lầm bỏ cái lớn như đại dương, chấp hòn bọt nhỏ cho là mình, nên ngài vì thương chúng sanh mà phát khởi lòng đại bi nguyện độ thoát tất cả. Ngang đây ngài A-nan đốn ngộ, cũng là triệt ngộ.

Chúng ta tu thiền nghe nói ngộ nhưng nhiều khi không biết tới đâu gọi là triệt ngộ, tới đâu là đại ngộ hay tiểu ngộ. Chỗ này cần phải hiểu cho chín chắn kẻo không dễ lầm.

Trong kinh Lăng-nghiêm, trước hết Phật phá chấp lầm lẫn cho suy nghĩ hư vọng là tâm mình. Kế ngài chỉ ra cái thật tương đối, đó là tánh thấy không sanh diệt sẵn có nơi thân sanh diệt, nhưng mới là mặt trăng thứ hai chưa phải mặt trăng thật. Sau cùng Phật mới chỉ ra cái thật cứu cánh, nói thẳng ngũ ấm, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới và thất đại đều gốc từ Như Lai tạng diệu chân như tánh. Như Lai tạng trùm khắp tất cả, đó là mặt trăng thật. Khi nhận được chỗ chân thật cứu cánh này, ngài A-nan thấy rõ thân đối với Như Lai tạng tâm giống như hạt bụi ở trong hư không, như hòn bọt ngoài biển cả không nghĩa lý gì. Thấy vậy là triệt ngộ chứ không phải ngộ tầm thường. Nếu giải ngộ hay tiểu ngộ thì mới thấy một phần nào thôi chứ chưa phải thấu suốt hoàn toàn như vậy.

Các thiền sư khi nhận ra tâm mình trùm khắp mười phương, gọi là đại ngộ hay triệt ngộ. Còn như chúng ta tu, khi nghe giảng dạy hoặc đọc kinh điển cũng có thể nhận được nơi thấy nghe của mình có cái chân thật, đây chỉ mới ngộ mặt trăng thứ hai, chưa phải thấy mặt trăng thật. Nghĩa là không còn lầm bóng trăng vọng dưới nước, nhưng vẫn chưa thấy được mặt trăng thật, tức chưa nhận ra Như Lai tạng tâm trùm khắp pháp giới.

Kinh Lăng-nghiêm là phương tiện khéo léo của Phật chỉ cho chúng ta tới chỗ triệt ngộ cứu cánh, đúng như tinh thần "kiến tánh khởi tu", đốn ngộ rồi mới khởi tu. Như vậy học kinh này chính là học thiền. Người học thiền mà không hiểu kinh Lăng-nghiêm sẽ không biết chỗ cứu cánh ra sao. Giả như ngộ được mình có tâm chân thật bất sanh bất diệt, nhưng cái thấy vẫn còn giới hạn nơi các căn thì ngã vẫn còn; như biết trong nhà có người, nhưng vẫn còn thấy cái nhà. Chừng nào thấy nhà vô nghĩa, nhận ra cái trùm khắp không ngằn mé, chừng đó mới thấy được lẽ thật. Cũng vậy, chúng ta tu phải thấy thân cảnh không có giá trị gì, phá được ngã và ngã sở, triệt ngộ tới chỗ cứu cánh mới không còn thối chuyển.

Mục Lục