Thiền Tông Việt Nam
Phụng Hoàng Sách Tấn Tập 2
Chương 3: Thuốc Đắng

- Bạch Thầy, có một số thầy bị bệnh, uống thuốc có chất làm buồn ngủ, quý vị xin nghỉ ngồi thiền buổi tối, con không biết có hợp ý Thầy không? 

- Thật ra, bệnh phải uống thuốc là việc thường. Nhưng nếu uống thuốc buồn ngủ thì cứ lên thiền đường ngồi thiền, đến khi gượng hết nổi ngồi ngủ gục cũng được, đừng ở dưới liêu ngủ, bởi vì sẽ có hai lỗi. Lỗi thứ nhất là tới giờ huynh đệ tu mà mình không tu, huynh đệ sẽ phàn nàn. Lỗi thứ hai là quen ở dưới liêu ngủ sẽ trở thành lười biếng lúc nào không hay.

Cho nên uống thuốc gây buồn ngủ, thà lên thiền đường ngồi ngủ gục chứ không được nằm dưới liêu ngủ. Giờ huynh đệ tu mà mình ngủ là không tốt. Uống thuốc không phải năm ba bữa, có khi uống cả nửa tháng, chẳng lẽ nghỉ hoài, đó là điều không được. Vậy nên phải ráng, mỗi người phải nỗ lực hơn chứ đừng lôi thôi. Tôi nghĩ chúng ở đây đều là những người quyết tu, không có ai tới đây tu lừng chừng hết. Đã liều chết tu thì bệnh gì hành cũng ráng gượng, đừng để quá tệ không tốt.

Thời giờ ngồi tu thấy như có khuôn thước bắt buộc, nhưng chính cái bắt buộc đó tạo cho mình thành thói quen. Sau này tới giờ là mình ngồi thiền, không thể nào bỏ qua được. "Thiền duyệt vi thực" là vậy đó, lấy cái vui trong thiền định làm thức ăn, nghĩa là tới giờ ngồi thiền nếu mình không ngồi được thì như là bụng đói vậy, nên phải ngồi cho an ổn tâm hồn. Nếu có buồn ngủ thì một chút cũng qua, không đến nỗi nào.

Tôi muốn trong chúng ai ai cũng phải tự sách tấn, tiến lên. Tôi không muốn một ai thả trôi cả, bởi vì thả trôi là hư hỏng. Vậy nên mỗi người phải nỗ lực. Khi nào có bệnh không thể đi được mới nghỉ, còn uống thuốc để trị bệnh dài hạn thì phải ngồi thiền, không được bỏ.

***

- Thưa Thầy, lúc này huynh đệ ngồi thiền ngủ gục nhiều, xin Thầy có phương pháp nào chỉ dạy cho huynh đệ bớt ngủ. 

- Thật ra, trong nhà Phật có dạy nhiều phương pháp, nhưng tôi thấy phương pháp đánh là hay nhất. Người này bị đánh, người kia cũng giật mình, vậy dễ tỉnh hơn. Cho nên hồi xưa ở Trung Hoa, Nhật Bổn đã dùng thuật đó.

Kinh Phật có dạy nhiều cách, vì thời Phật không ngồi chung tập thể, mỗi người ngồi dưới gốc cây hoặc trong gộp đá... Phật dạy có những cách để trị buồn ngủ, như quán ánh sáng ở trước, bởi vì tối dễ ngủ, còn sáng khó ngủ. Như khi tắt đèn mình dễ ngủ, mở đèn khó ngủ, nên quán ánh sáng sẽ bớt buồn ngủ. Có khi dùng hai tay xoa hai vành tai cho nóng hoặc lấy nước lạnh rửa mặt thì sẽ trừ được cơn buồn ngủ.

Dùng đủ cách mà vẫn còn buồn ngủ thì Phật dạy đứng dậy đi kinh hành. Đó là ở riêng cá nhân, không phải ngồi chung một thiền đường. Còn ở đây, đứng dậy đi thì loạn hết, nên không dùng được lối này. Ở đây phải đánh cho giật mình, nhờ vậy đỡ buồn ngủ.

Ngoài ra, đương sự phải tập như thế này thì cơn buồn ngủ có thể tan bớt. Thí dụ mình ngồi nếu thấy mơ mơ, phải chấn chỉnh mạnh lên, mở mắt trừng trợn một hồi, cái mơ mơ sẽ tan đi. Giả sử mình ngủ gục bị đánh một cái, thì phải cố gắng mạnh mẽ lên. Ngồi buông thả hoài dễ gục lắm, vì buổi khuya yên ắng dễ ngủ. Vậy nên phải mở mắt ra chấn chỉnh lại, coi như lúc đó mình đang tranh đấu để chiến thắng ma ngủ, như vậy lần lần sẽ thắng được.

Thật ra cái gì cũng khó ở bước đầu thôi, sau thuần thục rồi sẽ ít ngủ. Ít chứ chẳng phải không, ngài Mục Kiền Liên hồi xưa ngồi thiền còn hôn trầm thay. Trưởng lão còn ngủ gục, mình bây giờ làm sao tránh khỏi chuyện đó. Nhưng những khi mệt nhọc, nhuốm bệnh mới ngủ nhiều, còn khi nào khỏe, mình cố gắng vươn lên sẽ qua được. Đó là một sự chiến đấu mạnh mẽ chứ chẳng phải thường.

***

Thời giờ của tôi ít lắm. Bình thường ban ngày khách khứa hoặc chuyện này chuyện nọ, còn ban đêm thì ngồi thiền, không ngồi thiền không được.

Không ngồi thiền có hai cái hại. Thứ nhất là về sức khỏe, ngồi thiền tôi ít bị nhảy mũi, ít cảm. Bởi vậy tôi thấy rõ ngồi thiền đều đều là rất tốt. Thứ hai là nhờ ngồi thiền, định lực của mình sâu một chút, nhờ đó mình thắng ngoại cảnh, chứ định lực yếu thắng không nổi. Nên ngồi thiền là việc quan trọng không bao giờ tôi dám bỏ. Trừ lúc đi đâu quá mệt, ngồi bị ngủ gục nhiều thì thôi cho nghỉ buổi tối, chứ còn buổi khuya nhất định phải ngồi. Nhờ giữ đều đặn như vậy mà khỏe trong người.

Có nhiều chú đổ thừa bệnh không muốn ngồi thiền. Không ngồi thì bệnh tăng chứ không giảm. Nhất là ba hơi thở ban đầu lúc vào thiền, lúc trước tôi hướng dẫn khi thở ra thì mình tưởng như phiền não, uế trược, bệnh hoạn ra hết. Có người kể tôi nghe, sau khi thở ra ba hơi như vậy, họ thấy rỗng rang luôn cả mấy tiếng đồng hồ, khỏe lắm.

Thật ra, năm nay nếu gom hết tài liệu của Tăng, Ni, Phật tử thì thấy có nhiều cái mới lạ trong sự tu tập. Nhưng tôi rất dè dặt, nhất là đối với Phật tử cứ muốn tôi thừa nhận là đã kiến tánh, mà tôi thừa nhận thì sợ họ sanh tâm ngạo mạn, cũng nguy lắm. Có nhiều vị thầy hay ấn chứng bừa bãi cho đồ đệ, dù người đó tu sơ sơ, đang còn phiền não đầy dẫy. Cho nên chúng ta phải khéo dè dặt, đừng để ban đầu là con người tốt, về sau tu được chút ít lại sanh ngã mạn trở thành không tốt, rồi theo danh lợi không hay. Thật ra có người cũng có lần được sáng nên đọc kinh hiểu hết nghĩa lý, lại tưởng là xong việc, dè đâu tâm cầu danh không giảm. Mà còn danh thì còn lợi, còn lợi tức còn sân si. Vậy là tham sân si còn đủ.

Sự tu rất thâm trầm, vi diệu, chứ không phải chỉ là phần nổi người ta thấy bên ngoài. Ai tới Trúc Lâm cũng nghĩ sự xây dựng của mình là công trình lớn. Thử hỏi tiền ở đâu có mà làm, mới biết sự gia hộ của Tam bảo rất là tốt. Làm việc đạo chân chính thì được Tam bảo gia hộ. Bởi vậy tôi nói với mấy chú, tôi tin Tam bảo tuyệt đối.

Như hồi ở Chân Không mới bắt đầu nuôi chúng, một số thầy thắc mắc: "Nghe Thầy tuyên bố không đi đám cúng, vậy lấy gì chúng ăn?". Nên trong Thanh quy hồi đó tôi mới để câu: "Chừng nào hết gạo thì mỗi người về quê xin chở lên". Nhưng sự thật từ trước đến nay có hết gạo bao giờ đâu. Chỉ sợ mình tu hành không chân chính, đừng lo Tam bảo bỏ quên mình.

***

Có một điều tôi được nghe mà chưa rõ lắm, rằng có một vài thầy đi nơi này nơi kia rồi mượn tiền người ta. Những người chủ cho mượn hơi phàn nàn, than với một số Phật tử. Đó là điều không tốt, làm mất uy tín của chư Tăng ở thiền viện.

Vậy yêu cầu ai đó có lỡ làm điều này thì từ nay về sau tuyệt đối không được hỏi mượn ai hết, vì ở đây tất cả mọi thứ tôi đều lo cho quý vị đầy đủ rồi, không có gì thiếu thốn. Nếu có thiếu thốn gì, quý vị cứ đến trình Quản chúng hoặc đến thưa với tôi. Cái gì tôi giúp được thì tôi giúp, hoặc là Quản chúng thấy trong quỹ còn có tiền rộng rãi có thể lo cho quý vị được thì lo. Không nên đến nơi này nơi kia mượn, đó là điều không tốt.

Ở đây nhiều khi cho tiền quý vị đi, khi về còn dư phải đem trả lại thay, huống nữa là đi mượn của người ta, điều đó trái hẳn với quy chế trong đây. Nếu ai làm điều này, khi nào có đủ bằng chứng, có người tới đòi tại đây thì người mượn tiền đó phải xuất chúng chứ không được ở nữa. Vì làm như vậy là mất uy tín của cả thiền viện. Ở thiền viện là để tu hành, không bận rộn chuyện thế tục, mà mình làm việc đó là ngoài chuyện tu hành rồi.

***

Vừa rồi chú T.Đ ngồi thiền gần mấy huynh đệ, tới lúc xả thiền, chú ấy mới tập tu mà biết làm theo thứ lớp, còn mấy ông thầy mình lại duỗi chân ra trước. Vì vậy chú ấy thắc mắc, không biết quý thầy sao xả thiền không có thứ tự.

Nghe điều này tôi hơi xấu hổ, người ta tới tập tu mà ngồi thiền đàng hoàng, xả đàng hoàng, còn mình tu lâu rồi lại xả thiền không có thứ tự, khiến cho người ta hoang mang thắc mắc. Đó là một sơ sót lớn. Ở đây là nơi chuyên tu và cũng là mẫu mực cho những người trong nước và ngoài nước tới tập, cho nên chúng ta không thể xem thường một hành động nào của mình hết. Phải đâu đó trật tự, thứ lớp đàng hoàng để những người tới tập tu thấy phấn khởi tinh thần học tập theo. Chứ quý thầy lớn dạy một đàng, khi xả thiền mấy chú làm một nẻo, thì người ta đâu có tin tưởng tập thể mình tu tốt lành.

Đó là lỗi lớn, không phải chuyện nhỏ, nên nhắc cho toàn chúng đừng có thái độ dể ngươi, xem thường như vậy nữa. Ngồi hai giờ chịu nổi, còn có năm mười phút xả thiền mà chịu không nổi lại duỗi chân trước! Đó là một điều rất dở, một khuyết điểm lớn. Bên Ni chúng nghiêm nhặt hơn, Ban quản chúng coi chừng kỹ lắm, ai lôi thôi thì bị rầy; còn bên này tự do quá, như vậy là không tốt.

Hôm trước có một cô người Mỹ đến đây tập tu. Cô nói tập tu ở Thái Lan rồi mới qua đây. Tôi hỏi: "Cô thấy quý thầy ở Thái ngồi thiền có nghiêm chỉnh, tốt không?". Cô trả lời: "Thấy quý thầy ngồi gục quá!".

Thành ra quý vị tập tu ngồi ở phía sau, lâu lâu họ mở mắt nhìn coi quý thầy, quý cô làm sao, nếu thấy gục lên gục xuống thì họ cười. Điều đó gây ảnh hưởng không tốt, nên mình lúc nào cũng phải mẫu mực. Buổi ngồi thiền chiều đâu đến nỗi phải gục. Người ta đến tập tu với mình mà để họ thấy lôi thôi là không tốt.

Do có cái tệ đó nên lát nữa tôi phải chỉ lại cách ngồi thiền cho thật cẩn thận. Kể từ bữa nay về sau, nếu mấy chú còn sai sót nữa thì tôi phạt nặng chứ không phạt nhẹ, vì nó để tiếng không tốt cho tập thể mình.

Trong đây có nhiều người ngồi thiền không chỉnh, xả thiền cũng không chỉnh, nhiều khi mấy thầy không để ý. Nên nay tôi chỉ thứ lớp rõ ràng, tất cả xem rồi nhớ cho kỹ, từ đây về sau làm cho đúng. (Xem phần hướng dẫn của Hòa thượng ở Thỉnh nguyện Ni ngày 28-10 Mậu Dần).

Hôm nay tôi nói lại câu chuyện một Phật tử nữ ở ngoại quốc gởi thư về hỏi:

"Thưa Hòa thượng, gia đình chồng con đạo Thiên Chúa, con đạo Phật. Trước đây, khi lập gia đình anh ấy hứa người nào giữ đạo nấy chứ không ai bắt ép ai, nên con ưng thuận lập gia đình. Bây giờ ra nước ngoài, có được hai đứa con thì ông ấy bắt hai đứa nhỏ đi nhà thờ rửa tội. Đó là một cái lấn hiếp rồi. Tới giai đoạn thứ hai, ở nhà con có hai bàn thờ riêng, bên này tượng Chúa, bên kia tượng Phật, ông ấy nói một nhà có hai bàn thờ không được, dồn lại một bàn thờ thôi, dẹp Phật để Chúa."

Bà này phản đối kịch liệt, không chịu chấp nhận. Nên từ hồi ông có ý kiến tới giờ, vợ chồng chống đối, cãi vả nhau hoài, không được an ổn bình yên. Rồi bà hỏi: "Bạch Hòa thượng, giờ con phải xử sao trong trường hợp đó?".

Quý vị thấy câu hỏi thật khó trả lời. Trong trường hợp này, tôi trả lời rằng: Đức Chúa chủ trương bác ái, Đức Phật dạy từ bi. Một bên đem lòng thương rải khắp, còn một bên dạy mình sống với nhau hòa thuận, thương yêu giúp đỡ tất cả mọi người. Cả hai ông đều tốt. Ông Chúa tuy nhiều người kính trọng, nhưng ở đâu xa tít mù không ai thấy bao giờ. Còn ông Phật nhập Niết bàn cách đây hơn hai ngàn năm rồi. Bây giờ vì kính Phật hoặc vì kính Chúa mà vợ chồng cãi lộn nhau, làm gia đình rối ren, bất an đau khổ.

Giả dụ Chúa tới thấy vậy chắc cũng khóc, Phật thấy cũng buồn. Bởi vì chủ trương của Phật và Chúa là đem lại tình thương, đem lại hòa thuận, bây giờ hai vị vì Phật vì Chúa mà cãi lộn, làm khổ nhau, thì Phật và Chúa đều buồn hết. Tốt hơn, quý vị nên nghĩ: Phật và Chúa lúc nào cũng đem lại tình thương, sự hòa thuận cho mọi người, đem lại hạnh phúc cho chúng sanh. Chúng ta kính Phật, kính Chúa thì trước hết phải làm những điều đó, tức là phải sống với nhau hòa thuận, vui tươi, để cho gia đình hạnh phúc, đó là kính Phật kính Chúa.

Tôi trả lời như vậy vì những vấn đề đó tế nhị lắm, nói không khéo sẽ làm người ta nổi sân, mích lòng thêm. Hoặc nếu chúng ta không cẩn thận, xúi bà Phật tử làm dữ thêm thì đó là tội lỗi. Cho nên tôi nhắc để quý vị nhớ, những trường hợp như vậy mình phải thận trọng, giảng dạy làm sao cho có sự hòa thuận, đem lại an ổn cho gia đình họ, chứ đừng làm chia rẽ thêm.

***

Kính bạch Thầy, vừa rồi chúng con được biếu một số băng giảng của các vị thầy ở các nơi. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con về việc này.

- Mỗi người có một hướng đi khác nhau, không phải ai cũng chung hướng với mình. Dầu cho quý vị đó nói hay, nhưng mà hướng khác thì mình đem ứng dụng cũng không được. Thí dụ có thầy nặng về hơi thở, dạy hít vô thở ra miệng mỉm cười, đó là cái vui hiện tại, chứ không phải đi sâu trong đạo lý, do thấy đạo mà vui, thành ra khác nhau xa. Mình sử dụng của người ta thì mất của mình. Chúng ta có đường đi riêng, đừng nên nghe nhiều rồi tu lung tung, rốt cuộc không có kết quả.

***

Gần đây, tôi được nghe có một vài huynh đệ hơi có ý buông lung. Hoặc là chiều, hoặc là tối, thỉnh thoảng có lén lén dẫn xe honda đi chơi. Nghe điều đó tôi rất buồn, bởi vì mình ở đây chuyên tu chứ không phải chỗ tu lơ là, tu cho có chừng, mà nếu lợi dụng cơ hội tôi vắng nhà rồi đi chơi như vậy là không tốt, cho nên hôm nay tôi nhắc.

Vì người báo cho tôi không nói tên ai nên tôi không nắm vững, nhưng nay nhắc toàn chúng. Ai còn có tâm muốn đi chơi chỗ này chỗ kia ngoài giờ tu của mình thì những người đó đã để tâm phóng túng rồi. Ban đêm mà dẫn xe đi chơi một hai người như vậy là buông lung hết chỗ nói. Kể từ đây về sau, từ ban trật tự cho tới nhà khách, nếu thấy ai đi như vậy thì ghi rõ tên người nào, giờ nào để tôi trừng phạt đúng với thanh quy của mình, vì đây là một việc làm trái với đạo lý, làm cho thiền viện mang tiếng không tốt.

Chúng ta tu ở đây không thiếu ăn, không thiếu mặc, không thiếu những vật dụng xài, thì không có lý do gì mà đi đây đi kia một cách bất thường như vậy. Cho nên đi chơi là trái với luật, là phạm tội nặng đối với thiền viện. Vậy tôi nhắc cho tất cả nhớ, từ đây về sau, lúc tôi có ở nhà hoặc vắng mặt đều phải giữ cho nghiêm chỉnh. Nếu có ai sai phạm những điều đó thì phải ghi rõ để về tôi trừng phạt thẳng tay chứ không tha.

Đến điều thứ hai, kỳ này về tôi nhận được mấy lá thư cảnh báo rằng ban trật tự ở ngoại viện của mình có vẻ nghiêm khắc quá. Một người trong nhóm thợ thuyền chạy tàu dưới hồ Tuyền Lâm báo với tôi rằng: Một hôm có người quen thân đến chơi, báo rằng họ đã tới bãi xe thiền viện. Chú ấy lên đón họ, nhưng mới tới nơi thì gặp ông thầy trưởng ban trật tự nạt nộ quá. Chú ấy hơi buồn, viết lá thư tố với tôi. Nên nay tôi nhắc ban trật tự, mình làm việc thì tất nhiên phải nghiêm chỉnh, nhưng có một hai trường hợp cũng nên nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng là điều tốt, họ làm sai mà mình nhắc nhẹ nhàng họ cũng ít buồn.

Về phần tri khách cũng vậy, tôi cũng được người ta báo là có một hai trường hợp người ta tới muốn hỏi gì đó, bị quý thầy tri khách bực bội, nói những lời không được nhẹ nhàng cho nên họ không vui, gởi thư cảnh báo với tôi.

Vậy yêu cần ban trật tự và ban tri khách, mình làm việc thì phải đúng điều lệ của thiền viện, nhưng lời nói nên nhẹ nhàng để cho mọi người tới với mình không bực bội. Nếu họ bực bội thì tín tâm đối với đạo bị suy giảm. Bởi vậy chúng ta ráng khéo giữ, đừng để những người khách tới đây sanh ra bất mãn với mình, đó là điều không tốt. Quý vị ráng nhớ.

Tôi biết ở hoàn cảnh trật tự với tri khách có nhiều lúc phức tạp lắm, nhưng mình đã là người tu thì bao giờ cũng phải hiền lành, hòa nhã chứ đừng có thái độ bực bội, nóng nảy làm cho họ bất bình. Vậy tôi nhắc quý vị ráng cẩn thận. Quý vị là bộ mặt của thiền viện, mà bộ mặt không tốt thì người ta đánh giá thiền viện cũng không tốt. Cho nên ráng cẩn thận giùm, đừng để xảy ra chuyện buồn lòng không hay.

***

Thầy nhắc thêm một chút về việc tiếp khách.

Ở thiền viện đây có nội quy, tụi con nên theo đúng. Nếu một người làm sai, những người khác bắt chước làm sai theo, bản nội quy sẽ vô giá trị, không tốt. Ở đây quy định nếu có khách đến chỉ tiếp tại nhà khách ba mươi phút, ngoài ra không được tiếp ai lâu. Nếu người thân ở lại thì đó là phần của tri khách sắp đặt. Sau một hai ngày có chuyện gì cần thưa nói phải xin phép lại, rồi tiếp thêm ba mươi phút nữa.

Tụi con có chỗ dở là mỗi khi thấy người thân tới cứ sợ mình lơ là e họ buồn, rồi cứ lai vãng nói hoài cho hết chuyện, cho hết tâm tình. Như vậy thời giờ sai chạy hết. Những người xung quanh sẽ thấy mình không tôn trọng nội quy, quy định nửa giờ mà tiếp khách hơn nửa giờ hoặc quá nhiều. Sống trong thiền viện mà không tuân theo là xem thường và phạm lỗi. Đó là điều không tốt, nhất là khi thân nhân còn ở lại mà tự ý qua lại, tới lui không xin phép thì lại càng có lỗi hơn. Ở đây có một hai người đã làm như vậy, không tốt. Nếu can đảm thì sám hối, không can đảm thì Thầy nhắc cho nhớ. Nếu tự ý qua lại là không còn nề nếp và tư cách của một thiền sinh.

Tất cả tụi con phải tuân theo nội quy, đừng để làm phiền tri khách. Mình phải tự ý thức trách nhiệm và hoàn cảnh của mình. Tất cả người thân đến đều biết rõ nội quy ở đây, không trách mình được. Nếu tụi con đi quá đà, người khác thấy rồi xầm xì không hay.

Từ đây về sau tụi con phải dè dặt, cẩn thận. Mình sống trong thiền viện lấy nội quy làm tiêu chuẩn, không nên sống một cách tự do. Nếu tự do là không biết kính trọng nội quy của thiền viện, không có nội quy thì tập thể của mình không còn tốt nữa.

***

Trên đường tu tụi con phải luôn cẩn thận, tu hành cho tốt. Chính sự tu hành tốt sẽ giúp tụi con qua hết những cái khó. Đừng nghĩ mình tu chuyện gì cũng dễ. Đời Thầy bao nhiêu thứ trở ngại, Thầy cũng đã chịu nhiều lắm rồi, những ngày sau này không biết còn thừa cái gì không nữa. Thầy thấy cần phải ẩn nhẫn, rồi đâu cũng vào đấy không đến nỗi nào. 

Tụi con đừng ngạc nhiên tại sao mình tu ở thiền viện đang có điều kiện tốt lại có những trở ngại mình không hề nghĩ tới, không thể biết trước. Đó cũng là chuyện bất ngờ, tuy nhiên nó cũng từ bản thân con người, do không suy nghĩ kỹ, không xét chín chắn, cộng với một số tác động bên ngoài, nên làm những chuyện mà về sau phải ân hận.

Vậy tụi con ráng tập, dù có gì vui buồn cũng phải rất nghiêm chỉnh suy xét cho kỹ, đừng vội vàng quyết định một điều gì hết. Nhờ xét nét kỹ tụi con sẽ tu hành đến nơi đến chốn được. Những hành động có tính cách vội vàng, không kịp nghĩ suy sẽ làm rối từ việc này đến việc khác, không đi đến đâu hết. Thầy nhắc nhở tất cả tụi con để biết hoàn cảnh tu của mình không phải chỉ có chiều thuận mà còn chiều nghịch nữa. Tụi con phải cẩn thận.

*** 

Thầy thường hay nói, giảng dạy Phật pháp cho người ta rồi mình về thì rất là dễ. Còn trường hợp ở đây, Thầy dạy chúng tu tại thiền viện thì tất cả những điều hay, dở, hoặc nên, hư Thầy đều có trách nhiệm rất nặng. Bởi vậy nên khi đứa nào nhập thất tu Thầy cũng cho coi chừng xem có gì trở ngại không, nếu có gì trắc trở phải cho Thầy biết liền.

Như H.T trình bày thì trong chúng thấy dường như có ma quỷ gì đó bên ngoài phá, nên trở ngại sự tu hành. Nhưng điều trọng yếu tụi con nên biết rõ là nếu nội tâm chúng ta vững vàng và nghị lực mạnh mẽ thì tất cả các chướng ma đều qua. Còn nếu nội tâm mình không được mạnh mẽ, nghị lực yếu đuối thì những cảnh bên ngoài, hoặc do bệnh, hoặc do những chướng khác, sẽ làm trở ngại sự tu. Chính điều đó Thầy rất bận tâm.

Vì vậy Thầy dạy cho H.T biết, những điều con thấy và sợ là có lý của con, nhưng thực ra đối với đạo, theo như những người tu lâu nay đã kể lại, cũng như bản thân Thầy có kinh nghiệm, thì cái gốc trở ngại là ở nơi mình chứ không phải do ma quỷ bên ngoài. Tụi con có nhớ khi Đức Phật ngồi dưới cội bồ đề, ma quái tới phá thì Ngài thắng nó bằng cách nào không? Phật dạy rằng Ngài dùng cây cung thiền định và mũi tên trí tuệ để dẹp ma quân.

Vậy nên chúng ta đừng nghĩ khi thấy ma quái thì dùng thần chú này phép lạ nọ để trị nó. Đừng quan niệm như thế. Người tu Phật chúng ta chỉ lấy thiền định và trí tuệ để trị ma quân. Khi bọn ma tới vây phá Phật, đoạn đầu là một đám ma đầu trâu mặt ngựa, dùng gươm giáo bao vây Ngài, hầm hét tấn công. Đức Phật vẫn nhập định, tâm yên lặng, không dấy động. Một lát chúng ma tự xấu hổ rút lui.

Kế đó là ma nữ, dùng những hình tướng kiều diễm, hóa ra người thân để làm rối loạn tâm Ngài. Khi bị phá như vậy Ngài chỉ nói rằng: "Hãy đi! Các ngươi chỉ là những đãy da hôi thúi, ta không dùng, hãy đi". Ngài quở như vậy rồi tự nó xấu hổ rút lui.

Như vậy, Phật dùng thiền định để trị những loại ma hung dữ và dùng trí tuệ để dẹp ma quyến rũ. Đó là dùng cung thiền định và mũi tên trí tuệ để trị ma. Còn mình bây giờ, hễ thấy có cái gì lạ là sợ liền. Từ quá sợ nên tâm bất định, tâm không định thì ma dễ phá, làm trở ngại sự tu. Chứ nếu ma quái gì đến mà tụi con cứ vững tâm, nhất định không thèm nhìn, không thèm ngó, chỉ định tâm không dấy niệm gì hết, một lúc tự nó đi chứ có gì mà sợ. Đó là cách thứ nhất, dùng định.

Thứ hai, nếu mình không dùng định được thì phải dùng quán. Dùng trí tuệ quán tất cả thân mình, thân chúng sanh, thân mọi loài đều do duyên hợp, đều là hư dối huyễn hóa. Thân này nặng bao nhiêu ký đây còn hư dối, huống nữa là các loài ma quái, như bóng ảnh vậy thôi, đâu có thật. Đã không thật thì có gì mà sợ.

Tụi con can đảm nhìn nó, biết nó không thật, đó là dùng trí tuệ quán chiếu đuổi nó. Đừng nên vừa thấy liền hoảng sợ, do hoảng sợ tinh thần bị suy sụp, sanh ra bệnh, làm trở ngại sự tu. Thầy nói rõ để tụi con biết, vì thường các nơi người ta hay nói hễ thấy ma thì phải tụng chú này chú nọ để trị. Ở đây chúng ta không dùng chú mà dùng trí tuệ và thiền định để trị, đó là chánh pháp. Còn dùng bùa chú trị, không khéo mình lạc vào tà pháp, là điều không tốt.

Cho nên tụi con khi tu, gặp những điều chướng đó thì phải nhất tâm thiền định, đừng bị dao động. Nó làm gì mặc nó, cứ ngồi như chết vậy thôi, không màng, không để ý gì đến nó, một lúc rồi nó tự tan chứ không có gì. Hoặc là dùng trí quán chiếu tất cả các pháp đều là không. Không có gì thật thì ma quái cũng không thật, thân này cũng không thật, có gì mà sợ. Cứ quán như vậy rồi dần dần nó sẽ thua, sẽ tan. Đó là pháp của Phật dạy, dùng trí tuệ và dùng thiền định trị ma.

Trong tụi con có nhiều đứa không hiểu biết, nói rằng nhập thất thì không ai có quyền ra thất nửa chừng, đó là ngu xuẩn không biết gì. Nhập thất nếu có chướng ngại không thắng được thì phải ra thất để tu bình thường theo chúng, vậy mới không sanh bệnh tật. Nếu cứ tiếp tục nhập, cố kềm quá sẽ khủng hoảng, từ đó sanh ra cuồng loạn, không tốt.

Tụi con không gánh trách nhiệm nên không nghĩ chín chắn, chứ phần Thầy có trách nhiệm hết sức nặng nên bao giờ cũng cẩn thận. Bởi vì ở đây chúng tu đông đảo như thế này, được Phật tử tin tưởng cúng dường, đồng thời cũng có nhiều người không ưa. Nếu những người này thấy có điều gì sơ hở, họ phê bình, chỉ trích ngay. Nếu trong chúng lỡ có một người nào tu không đúng cách, nổi cuồng dại lên thì tụi con nghĩ sao? Đó là lỗi của ai? Vì vậy nên Thầy nghe người nào trong chúng có chuyện xảy ra không làm chủ được thì Thầy liền cho ra thất, để tránh những tai nạn làm cho nó hoảng hốt rồi cuồng loạn. Chẳng những hại đời tu của nó mà còn mang tiếng không tốt cho thiền viện mình.

Vậy nên tụi con phải hiểu, nếu trong khi tu có những trở ngại, chiến thắng được thì vượt qua, còn thấy chiến thắng không được thì mình xin lui, để ra tu bình thường với chúng thì sẽ không bị chướng. Vì những giờ tu quyết liệt từ ngoại cảnh lẫn đến nội tâm hay có những phản ứng bất thường lắm. Cho nên tụi con phải dè dặt, đừng coi thường.

Như trường hợp H.T không phải tự ý nó muốn mà là do cảnh duyên bên ngoài. Chỉ vì còn yếu, chưa được tâm thiền định vững, chưa có trí tuệ mạnh để chiếu phá thành ra hơi thua. Từ chỗ thua đó, H.T phải chú ý, từ đây về sau, một là con nên sống hòa với chúng, vui vẻ cùng chị em, đừng mặc cảm với huynh đệ. Ngược lại, trong chúng khi thấy một người huynh đệ của mình tu có những chướng ngại thì cũng nên yêu thương, cùng nâng đỡ và an ủi, không được nói này nói nọ, để H.T yên lòng sống hòa hợp với huynh đệ. Như vậy một thời gian sau, những điều quấy nhiễu làm H.T sợ sẽ lần lần tan đi chứ không có gì phải lo. Vì "đức chúng như hải", sống trong chúng nhờ đức của chúng nên mọi việc đều tốt đẹp. Đó là việc thứ nhất.

Thứ hai là từ đây về sau, nếu quý Thầy quý Cô thấy con hoặc là yếu bì bệnh, hoặc là yếu thần kinh, cho thuốc chích hoặc uống, thì con nên hoan hỷ nhận để tăng sức khỏe. Có sức khỏe tu mới có thể dễ vượt qua những trở ngại. Nếu con yếu hoặc bệnh thì sẽ không thể vượt qua được, làm chướng cho đời tu của con.

Quý Thầy, quý Cô lúc nào cũng chú ý, lo lắng cho con, đang theo dõi coi bệnh tình đã giảm hay chưa giảm để sắp đặt. Vì vậy những gì sắp đặt thì con phải nghe lời, để cuộc sống của con được yên ổn và sự tu hành của con được tiến bộ. Đừng nên lo, buồn, sợ, hay mặc cảm gì hết. Nhất là trong huynh đệ, tụi con phải thông cảm người bệnh, người yếu. Khi thấy những điều hơi bất thường thì tụi con thương chứ đừng nên giễu cợt làm cho nó mặc cảm, không tốt.

Phần H.T, con phải sống hòa hợp với huynh đệ chứ đừng sống tư riêng, phải chơi với huynh đệ. Trong những giờ tọa thiền con phải mạnh mẽ làm chủ hoàn toàn, tập cho nghị lực cứng cỏi, đừng để bên ngoài chi phối. Như vậy lần lần mọi chuyện sẽ ổn. Trong chúng đừng có ai bàn tán chuyện gì, làm cho nó nghe rồi buồn, không nên. Chúng ta phải nâng đỡ những người tinh thần đang yếu, đang xuống, giúp họ phấn chấn lên để có đủ sức tu hành, không bị trở ngại.

Đó là lời Thầy nhắc nhở H.T cũng như cho toàn chúng. Ai có hoàn cảnh giống như vậy phải tự ý thức để vui vẻ tu, đừng vì một hai lý do nào đó mà buồn nản rồi thối bồ đề tâm, điều đó không tốt.

***

Tụi con đừng có quan niệm những ngày lễ ở gia đình, mình không có mặt e là có lỗi. Phải nhớ rằng vì sự tu hành của mình, chăm chỉ, quyết tiến, mà tất cả chuyện ở gia đình, những việc phải quấy theo thế tục, mình phải lơ là, phải bỏ bớt. Cha mẹ mà có con tu tốt, đó là vui rồi. Dù cho cha mẹ ở nơi này nơi kia nhưng biết con tinh tấn tu hành cũng thấy vui.

Lúc trước Thầy có đọc một câu chuyện trong sử Trung Hoa. Có vị tăng làm tri sự trong chùa, tu rất thanh tịnh, nhưng người mẹ còn ở thế gian lại hung ác, nên khi chết bà bị đọa vào địa ngục. Khi ngục tốt đem bà ra tra khảo, chợt có người báo rằng con của bà đang tu hành rất thanh tịnh. Ngục tốt kính nể nên không hành hạ, đánh đập bà nữa. Bà rất vui mừng, nhờ đức của con nên mình không bị tra khảo. Thời gian sau, ông thầy tu bị chướng, ma nữ lôi kéo. Lúc đó bà ở dưới địa ngục, ngục tốt đem bà ra khảo. Bà nói:

- Con tôi tu mà các ông đánh tôi sao?

- Con bà lúc trước tu hành thanh tịnh thì tôi tha cho, bây giờ ông ấy hư rồi nên tôi đánh bà. 

Bà van xin:

- Vậy cho phép tôi về báo cho nó, nhắc nó.

Diêm Vương cho phép. Bà về trong hình ảnh một bà già đang bị xiềng xích, đứng trước đầu giường của ông thầy, kêu ông lúc ban đêm: "Tại sao ông tu mà không thanh tịnh, để cho tôi bị đánh khảo thế này? Ngày trước ông tu thanh tịnh, tôi không bị tra khảo, bây giờ ông hư, ông phạm giới, tôi phải khổ thế này!". Ông thầy nghe thấy như vậy, giật mình kinh hoảng. Từ đó về sau ông sám hối, ráng tu hành thanh tịnh.

Qua câu chuyện đó tụi con thấy rõ, nếu thương cha mẹ thì phải tu hành thanh tịnh. Đó là cái gốc tụi con giúp cho gia đình và mọi người thân. Đừng hối hận vì ngày giỗ ba mà mình không về, hoặc hối hận mình không về thăm làm ba mẹ trông đợi v.v... Mình lo tu hành thanh tịnh thì những việc tốt mình muốn làm đều sẽ được tốt đẹp.

Như Thầy mấy hôm rồi, Trụ trì Chơn Không gọi điện thoại về: "Thưa Thầy, mai là đám giỗ Ông cụ, Thầy nhớ không?". Thầy nói Thầy quên mất. Lại hỏi: "Bây giờ tụi con làm sao?". Thầy nói: "Tùy nghi, làm sao tiện thì làm". Nếu nghĩ như tụi con thì Thầy cũng có tội nữa, ngày giỗ cha mà quên.

Mình lo tu, tất cả vì sự tu, để lấy phước đức đó cứu cha mẹ. Ví dụ như ngài Mục Kiền Liên, nếu ngồi nhớ cha nhớ mẹ hoài thì có cứu được mẹ không? Do Ngài cố gắng tu, chứng đạo quả, chừng đó muốn cứu mới cứu được. Bởi vậy, tâm hiếu thảo của người tu là tâm nỗ lực tu hành. Ráng từ ngày vào đạo cho tới ngày mình nhắm mắt, trên đường tu phải hằng trong sạch thanh tịnh và luôn luôn tinh tấn. Dầu chưa đạt đạo đi nữa nhưng cũng có công đức để cho cha mẹ nhờ. Đừng nghĩ mình phải làm theo thế tục, phải đủ lễ, giỗ chạp gì cũng có mặt hết. Điều đó chỉ làm mất thời gian tu tập, tiêu giảm phước đức của mình mà thôi.

Hiểu như vậy thì trên đường tu tụi con mới yên lòng. Bằng không tụi con sẽ ngại, thấy như mình không có hiếu thảo. Sự thật, hiếu thảo của người tu khác với hiếu thảo thế gian. Hiểu thấu đáo rồi tụi con cố gắng tu thì mọi việc đều đền đáp đủ hết. Hiếu thảo với cha mẹ đủ, đền ơn đàn na thí chủ đủ, với tất cả người thân mình đều giúp được. Còn nếu mình tu không ra gì thì tất cả đều không đền đáp được, đó là lỗi lớn.

***

Trong chúng có người xin đi trị bệnh, xong việc lại còn đi đây đi kia, không giữ đúng lời hứa của mình đi bao lâu, cứ lang thang rề rà không chịu về ngay. Nếu ai cũng bắt chước như vậy thì thiền viện này sẽ không còn có giá trị gì nữa.

Ở đây tụi con tu không phải cho Sư ông hoặc Thầy của tụi con, mà chính là tu cho tụi con. Vì tụi con mà Sư ông cố gắng thành lập thiền viện để đáp ứng lòng tha thiết tu hành của tụi con. Khi lập thiền viện, Sư ông tuyên bố đây là lý tưởng cuối cùng của đời mình, tức là trông cậy nơi tất cả những người đã tới đây với tâm tha thiết và nhiệt thành tu, hy vọng tất cả những gì Sư ông trông đợi, tụi con sẽ đáp ứng được.

Vậy mà tụi con lại có thái độ lơ là. Khi có bệnh thì mình đi khám, xong trở về liền để lo tu. Như vậy còn không biết có thể đáp ứng được chỗ mong mỏi của Sư ông không. Đằng này tụi con quá lơ là. Vậy là càng ở lâu tụi con càng lơ là, không chịu cố gắng, đó là điều Sư ông thấy không vui.

Tụi con phải biết thời gian Sư ông đã khẳng định rồi, tụi con phải làm sao tu cho có kết quả, tu cho xứng đáng, vậy mới mãn nguyện Sư ông. Nếu tụi con coi thường sự tu, mới tới thì thiết tha, ở lâu lại lơ là, làm sao tu có kết quả được? Sư ông rất buồn khi thấy mấy đứa càng ở lâu càng xem thường sự tu. Lẽ ra ở lâu, tụi con càng tha thiết hơn, chú tâm hơn trong sự tu hành. Ngược lại, càng ở lâu thấy càng lơ là, đó là điều không đáp ứng được sự mong mỏi của Sư ông.

Vậy nên từ đây về sau, tụi con nếu còn muốn ở đây thì phải cố gắng tu, tu cho xứng đáng. Nếu chán, không muốn ở nữa thì tụi con cứ xin về, Sư ông sẵn sàng cho, không hề ngăn cản, đúng như trong nội quy đã định. Tụi con ở lâu mà không quyết liệt, trong khi có những người tha thiết tu muốn xin vào không được. Vậy cũng như mình đã chiếm một phần lại không chịu tu, trong lúc có những người khác muốn tu mà không có chỗ, đó là điều không thích hợp.

Vậy tụi con phải biết bổn phận của mình mà cố gắng hơn, chứ còn lơ là như vậy là làm Sư ông không vui. Tụi con ráng nhớ.

Mục Lục